VỊ  CHÂN  SƯ Quyển II  - The Initiate in the New World

CHƯƠNG XIV

TRÍCH  ĐOẠN  MỘT  BÀI  GIẢNG

 

Bài giảng tối thứ tư ấy là về 'Ảo ảnh (Maya) và sự liên hệ của nó với Tình Yêu', nhưng vì bài có tính chất riêng tư nên khó mà đăng trọn bài cho công chúng, bởi vậy tôi chỉ có thể ghi lại phần nào xét ra thích hợp.
Thầy M.H. bắt đầu bằng cách vạch ra rằng phần lớn điều gọi là Tình Yêu thì thuần là Maya – có nghĩa Ảo Ảnh. Mà chữ Ảo Ảnh không phải là chữ dịch đầy đủ của Maya, vì chữ sau này không có nghĩa là điều gì không hiện hữu hay ảo tưởng như vật trong giấc mơ, mà là tình trạng trong đó chuyện hiện ra như nó không phải là vậy, hay tình trạng trong đó ta thấy chuyện không phải là nó. Thế thì phần lớn những gì người đời cho là tình yêu thì chính thực lại là Maya, vì nó dẫy đầy những ảo ảnh và sinh ra ảo tưởng trong chính chúng ta. Thầy giải thích:
– Người chưa sáng suốt và người mơ mộng nghĩ rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng không có chuyện đó, và ấy là Maya; họ nghĩ người yêu của họ khác với con người thực lộ ra – và đó là Maya.
Ngài giảng tiếp rằng hiểu rõ ý này là chuyện rất quan trọng, vì một trong những trợ giúp lớn lao nhất cho tiến bộ tinh thần là nỗ lực giải thoát chính mình khỏi mạng lưới của Maya.
– Khi ta có thể thấy mọi việc như chúng là, thay vì như ta muốn chúng là, khi ấy ta sẽ không còn thất vọng và chỉ gặp ít chuyện buồn phiền. Người đàn ông nào nghĩ rằng cô gái sẽ chung tình với anh đến chết, và bắt gặp cô ngoại tình với quân nhân đẹp trai đầu tiên cô gặp, là nằm trong mạng lưới của Maya. Cứ như thế mà suy diễn. Chúng ta phải nỗ lực thoát khỏi mạng lưới này, bằng không ta sẽ không bao giờ có được minh triết hay sự bình an.
Thầy nói thêm rằng chúng ta thấy nhiều tính chất Maya này trong thái độ của đông đảo người về tình dục. Thí dụ ngài dạy:
– Người đàn ông nào bắn hay ly dị vợ mình vì cô đã chung đụng gối chăn với một người đàn ông khác, cho thấy ngay rằng anh coi trọng rất đỗi chuyện liên hệ thân xác; ngược lại ai tha thứ vợ mình hoặc khá hơn nữa không thấy có gì phải tha thứ, tỏ ra không coi trọng cho lắm việc trao thân và như thế chứng tỏ chẳng những anh là linh hồn tiến hóa và giác ngộ hơn, mà cũng là người trinh tiết (chaste) hơn. Kẻ như thế không còn nhìn chuyện tình dục lẫn hôn nhân qua màn Maya.
Kế đó thầy M.H. giảng về ngộ nhận đối với sự trinh tiết, trong sạch và hoàn toàn cấm dục (abstinence). Ngài giải thích:
– Theo cách chúng ta nói ở đây, người trinh tiết không phải là ai thực hành việc cấm dục hoàn toàn, mà như thầy hàm ý, là người nhìn chuyện tình dục đúng như nó là. Cũng giống như ta không cho là tham ăn uống ai hân hoan dùng bữa khi đói lòng mà bình thường không coi trọng việc ăn uống, thì y vậy, ta không nên cho là không trinh tiết ai vui thích chuyện gối chăn khi cơ thể đòi hỏi, còn khi khác không bận tâm đến tình dục.
'Nói về sự trong sạch – điều chúng ta ngụ ý thì không phải là sự câu nệ về tiết hạnh mà là ý đối nghịch hẳn lại. Trong sạch là khả năng nhìn thấy nét đẹp ở mọi vật và trong mọi sinh hoạt của sự sống, và tôn vinh mọi hành động trong tinh thần không ích kỷ. Ai học được lòng không ích kỷ trong từng hành vi tình dục của mình, là người trong sạch ...'
Tới đây thầy dạy một số điều làm nâng cao con người mà bởi thói đời câu nệ chuyện tình dục nên tôi không thể ghi ra.
– ... Nếu chỉ ai có con tim thanh khiết, theo nghĩa hoàn toàn không có tình dục, mới thấy được Thượng Đế, thì may ra chỉ có những cụ ông, cụ bà không còn si mê thiết tha – hay chưa hề có yêu đương say đắm – mới có được địa vị đáng ao ước đó mà thôi. Tại sao Thượng Đế tạo cho con người có một hoạt động mà vì vậy họ lại bị ngăn cấm không tìm được Ngài ? Cũng là Maya nữa thôi – ngay cả ai không cảnh giác cũng diễn dịch sách vở qua màn che mắt của Maya.
Rồi Chân sư nói sang thái độ sai lầm của một số học viên và giảng viên về triết lý bí truyền đối với tình yêu và lòng say mê đắm đuối. Ngài bảo:
– Các con không có quyền mong đợi linh hồn chưa hiểu biết hành xử như ai đã tiến xa. Thí dụ nghe đã quá quen nói rằng ta không thể mong trẻ nhỏ lớp mẫu giáo hiểu được hay đủ sức học bài học của lớp Sáu; cũng như con không thể mong ngay cả linh hồn đã tiến xa xử sự như linh hồn toàn thiện – chỉ có khoảng ba trăm linh hồn toàn thiện trong thế giới này – vì ngay cả linh hồn đã tiến xa vẫn chưa chắc tiến đủ về mọi mặt, ở đâu đó vẫn còn chút thiếu sót.
'Tiếp theo là phải xét tới loại xác thân mà linh hồn tiến hóa sử dụng trong một kiếp nào đó. Lấy thí dụ nghệ sĩ sáng tạo, rất thường khi nghệ sĩ sáng tạo tài hoa nhất có hành vi xét theo luân lý về tình dục như là linh hồn chưa tiến hóa. Tuy nhiên họ không phải vậy – họ chỉ sinh ra với loại thân xác rất đỗi khó làm chủ và sử dụng.  Chẳng hạn khi một nhạc sư soạn vở nhạc kịch hay bản đại hòa tấu, ai có thông nhãn sẽ thấy những đường lực dũng mãnh từ Đại Thiên Thần tuôn tràn qua người họ hay tác động chung quanh nghệ sĩ, và kết quả là khơi dậy trọn phần tình cảm của họ.
'Thế thì – các con phải ý thức là mỗi hình thức tự chủ, kiểm soát đều đòi hỏi năng lực, và nếu ta thấy là gần như trọn tất cả lực mà nghệ sĩ sáng tạo có trong người phải dùng vào việc làm của họ, thì sẽ còn rất ít cho việc làm chủ phần tính dục của ông. Mà ngay cả khi ấy, nhìn theo quan điểm của các Chân sư là những Vị biết được sự việc, những cuộc tình của một đại nghệ sĩ không giống như cuộc tình của người bình thường. Tính rất mong manh, thoảng qua của chúng mà nhà luân lý nghiêm khắc lên án, là triệu chứng không phải của một linh hồn nông nổi, mà là của linh hồn quyết tâm đến mức ngay cả tình yêu gợi dục cũng không để lại cảm tưởng lâu dài nào.
'Chỉ có linh hồn tiến hóa mới có thể yêu thương mười cô gái mà không hề muốn thành hôn với cô nào. Nhà đại nghệ sĩ biết, dù hữu thức hay vô thức, rằng những cuộc tình của họ chỉ là Maya – và khi ai ý thức rằng Maya là Maya, họ chứng tỏ là đã thoát khỏi màng lưới Maya. Ai tỏ ra đạo đức và nói 'Tội nghiệp cho ông, ông có tài vậy mình phải tha thứ cho ông ...' là không có lòng nhân hay sáng suốt; lòng tha thứ thân ái chỉ tìm thấy nằm sâu trong sự hiểu biết đúng đắn mà thôi. Như thế những cuộc tình tự chúng không có gì là bậy, chúng chỉ xấu khi làm đảo lộn óc suy xét của ta, gây đau khổ cho người khác hay làm ta xa lánh Mục Tiêu Cao Cả.'
Dầu vậy, thầy nói tiếp rằng ý trên không áp dụng cho linh hồn nào tiến xa tới mức sắp đạt quả vị Chân Sư. Trong trường hợp những bậc này, sự trung thành về tình dục với một người vợ là điều nên có, vì việc không giữ trinh tiết làm hư hại những thể thanh. Tới đây thầy M.H. đưa ra giải thích dài về mặt huyền bí mà người không rành sẽ thấy khó hiểu. Ngài chấm dứt bài giảng bằng đoạn sau:

  1. Loại tình yêu cao tột nhất có thể thấy khi hai người hợp lại trong tinh thần tự do hoàn toàn, mà không ai có lòng muốn sử dụng tự do ấy. Nhưng cho dù ấy có thể là hình thức của tình yêu cao cả nhất, nó không nhất thiết là hình thức hôn nhân cao nhất. Chỉ khi những ai như vậy thành hôn nhằm mục đích phụng sự những Đấng Cao Cả và Nhân Loại, dù là qua công việc chỉ thực hiện được bằng cách cộng tác chung (ta có thể kể đến trường hợp Nicolas và Elisabeth Roerich, xin đọc bài Nicolas Roerich trong PST số 53), hay qua việc tạo thân xác thích hợp cho linh hồn muốn tái sinh qua họ, chỉ chừng đó họ mới có cuộc hôn nhân loại này, là loại cao hơn hết thẩy, và theo đó hoàn toàn vượt ra khỏi những biến hóa mê hoặc của Maya.

 

CHƯƠNG  XV

TÂM  THƯƠNG  YÊU  HẰNG  HỮU
(Permanent Love Consciousness)

Thứ tư tuần sau Chân sư có bài giảng cho những đệ tử mới, nói về sự định trí, tham thiền, suy gẫm, và làm sao thực hành những điều này có thể mang lại tâm từ luôn luôn. Ngài nói rằng ai có thể giữ trí não không xao động trong 84 phút 20 giây về Đại Ngã tức Nhất Nguyên – Từ Ái – An Lạc, sẽ giữ được các đặc tính ấy của Đại Ngã trong suốt đời còn lại của mình. Nhưng ngài khuyến cáo là chẳng những rất khó tập trung tư tưởng như vậy, mà tham thiền quá lâu cũng có hại trừ phi có sự trông nom riêng của một bậc Chân Sư cho ai muốn tập.
– Hãy tham thiền nhiều bận, ngài giải thích, mỗi bận một lúc ngắn. Tham thiền 10 lần một ngày mỗi lần vài phút thì tốt hơn là tham thiền trọn một giờ. Và hãy luôn luôn nhớ, ngài nói thêm, là phải dùng óc tưởng tượng thay vì dùng ý chí, khác với sự hiểu biết của đa số người. Hơn nữa, trong nhóm chúng ta đây khi nói về việc biểu lộ ý chí là ta muốn nói đến việc ra sức tưởng tượng. Một điểm quan trọng khác là cần có cảm xúc và tư tưởng đồng thời với nhau. Khi các con tham thiền về tình thương, chẳng những con nghĩ về tình thương mà còn phải cảm thấy thương yêu, nhắc lại là bằng cách tưởng tượng.
Và rồi ngài nói giọng êm dịu làm tôi nhớ mãi.
– Óc tưởng tượng, thầy bảo, là chiếc thang thiêng liêng mà Thượng đế tạo nên để nhờ đó người chí nguyện có thể lên tới đỉnh cao của ý thức. Ai chỉ mơ màng vẩn vơ là dùng sai khả năng tưởng tượng, ngài nói tiếp, nhưng nếu con mới được nhận làm đệ tử và bây giờ tập tham thiền theo cách ta khuyến khích, về sau con có thể thấy là có những lúc con được thưởng với cảm giác thương yêu đối với tất cả mọi người, bất kể họ là ai và là gì, và con không màng là họ có thương lại con hay không.
'Trong những lúc ấy không còn ác cảm khó chịu mà con hay cảm thấy về người khác, con không bận lòng là người ta xấu hay đẹp, thanh tao hay thô lậu, khôn ngoan hay ngớ ngẩn, tốt lành hay xấu xa, không một điều nào như vậy sẽ ngăn trở cảm giác thương yêu không gì so sánh được lan từ con đến họ đầy niềm an lạc. Vài người trong nhóm không chừng còn khám phá là tâm Từ ấy đã trở thành thường hằng, vì con chỉ đạt trở lại điều mà con đã phát triển rồi trong một kiếp trước.'
Và thầy tiếp tục chỉ cho thấy làm sao khả năng tâm linh tùy thuộc vào những kiếp đã qua, loại thân xác mà chúng ta sử dụng, tính di truyền và những điều tương tự. Khi gần đến phần kết bài giảng, ngài nói.
– Không có cách nào khác để tập được trạng thái thương yêu này ngoài việc tham thiền chăng ? vì hãy nhớ rằng đó là trạng thái. Riêng thầy thì tin rằng có. Lấy thí dụ như cánh tay người thợ rèn,  tay phải của ông mạnh và lực lưỡng khác thường, so với tay trái yếu và nhỏ hơn. Tại sao thế ? Vì ông đã phát triển sức mạnh của cánh tay phải bằng cách vung búa, còn tay trái chỉ dùng như những ai không thuận cả hai tay dùng nó.  
'Chuyện cũng y vậy với tình thương, hãy dùng ý chí để thương yêu và con sẽ phát triển khả năng thương yêu, làm cho trọn bản chất thương yêu của con hóa mạnh và trường tồn; thương yêu theo cách thông thường như người ta làm chỉ vì bị lôi cuốn thì tình thương của con vẫn yếu ớt, èo uột và cuối cùng chết hẳn. Hãy xem: tình thương đòi hỏi được nuôi dưỡng từ bên trong mà không phải từ bên ngoài. Bao lâu mà con còn tùy thuộc vào ngoại vật thì không bao giờ được an toàn. Chỉ khi nào con nhất quyết không chịu tùy thuộc vào ngoại vật khi ấy con mới được vững chắc.
'Nhưng con phải khởi sự ngay bây giờ khi còn trẻ, tới lúc lớn tuổi thì đã trễ. Tâm tính một khi học được sẽ tự nó còn hoài và tới tuổi già con sẽ không gặp khó khăn trong việc kết bạn mới như ta hay nghe nói. Thay vì chỉ ưa thích một hay hai người bạn con sẽ ưa thích mười, hai mươi bạn, cả trăm không chừng, không có giới hạn nào ngoài giới hạn mà tự con đặt ra. Và cố nhiên con số càng tăng thì nhiều phần con không sống lâu hơn họ. Cảnh già lão cô đơn chỉ là sự trừng phạt người ta phải trả do giới hạn lòng mình.
'Bây giờ qua thí dụ thực tế: tại sao không chọn ít nhất một người trong số ai quen biết mà không có thiện cảm với con, và dùng ý chí buộc mình thương yêu họ, dĩ nhiên là làm thế mà luôn luôn có óc tưởng tượng phụ vào. Thầy không hàm ý rằng trong số các con hiện diện ở đây có người thực tình và mạnh mẽ ghét bỏ ai, vì như các con đã biết, chúng ta không dám thâu nhận kẻ nào chưa trừ được lòng ghét bỏ; nhưng vẫn còn những người mà con thấy dửng dưng vô cùng đối với họ, người mà các thể làm như không hợp với con và con không thích cầm tay hay vuốt ve tỏ tình thân ái, cử chỉ hay thấy giữa phái nữ với nhau.
'Con không cần phải thực hành đâu xa ngoài nhóm này, vì tuy thầy nhìn nhận là nói chung bầu không khí trong nhóm có tình thân ái và bằng hữu, vẫn có vài trường hợp có thể cải thiện hơn. Phe các cô thì một hay hai cô có thể tỏ ra quí yêu bạn nhiều hơn con cảm thấy lúc này, thầy không cần nói ra nhưng lòng con biết thầy muốn nói gì. Hãy lắng nghe tiếng lòng và hành động theo đó. Thầy đoan chắc rằng khi làm theo lời thầy con sẽ tiến bộ rất xa.
'Ta cũng xin thêm là việc tập dùng ý chí để thương yêu không cần phải giới hạn vào người cùng phái. Thí dụ thường khi các cô cảm thấy ra sao khi thích rất nói chuyện với một anh, nhưng sẽ la lớn nếu anh cầm tay hay choàng qua người cô ? Phái nữ rất thích bàn về chuyện kêu thét lên này. Có anh cũng cảm thấy như vậy với các cô, duy có điều đàn ông thường không la lớn ! Có cảm giác ghê sợ muốn tránh né ai, bất kể là ai, có phải là tình trạng lý tưởng không ?
'Ồ, chắc chắn việc thầy muốn con thắng cảm giác tránh né không phải là chuyện dễ, nhưng nếu chúng ta chỉ làm việc dễ làm trong đời thì không bao giờ tiến bộ cả. Tâm thương yêu mà con nhắm tới thì giống như nước trời, phải ra sức chiếm đoạt, phải chinh phục nó, và giống như mọi điều liên can đến chiến thắng, nó đòi hỏi có sự gắng công. Thầy sẽ đi xa tới mức nói rằng đối với một số người, thương Trời thì dễ hơn là thương người bên cạnh không thiện cảm với họ. Con có thể gán cho ông Trời đủ mọi tánh tốt lành như ý, và Trời không có thình lình hiện ra chọc giận và làm con không vui. Hay con có thể nghĩ Trời có tánh xấu như ganh tị, giận hờn, trả thù nếu muốn thế, nhưng với người bên cạnh thiếu thiện cảm thì họ ra sao con phải chịu vậy. Con là người phải thay đổi mà không phải họ, và con phải là người trước tiên muốn thay đổi.
'Vì vậy Ta nói với con rằng ai muốn có tâm đầy tình thương hãy dùng mọi phương tiện có trong tay để đạt tới nó. Chỉ tham thiền có lệ thì chưa đủ, mà hãy học thương yêu người bên cạnh có vẻ không dễ yêu. Hãy học thương yêu họ vì Đại Ngã, điều Duy Nhất hiện hữu trong Muôn Loài.

 

CHƯƠNG  XVI

LÀM  SÁNG  TỎ

 

Sau buổi giảng, trước khi tôi về hội quán thầy M.H. kéo tôi qua bên và dặn tôi sáng thứ sáu đến lúc 11 giờ, vì thầy có chuyện quan trọng muốn nói. Do bản năng tôi cảm ngay tức khắc lúc thầy nói là chuyện có liên quan đến điều mà tôi cho là bí ẩn. Chót hết bao nhiêu ức đoán của tôi sẽ được giải ngay, đã tới lúc thời gian tỏ ra chín mùi để tôi được biết lý do của chuyến đi dài này của mình. Nhưng việc gì đã làm chuyện chín mùi ? Hoặc nói cho rõ hơn, về phần mình tôi đã làm gì để khiến phải có giải đáp ? Tôi không trả lời được và thấy sự việc càng hoang mang hơn bao giờ hết.  Khi nhìn trở lại những chuyện đã qua, điều tôi chỉ có thể thấy là tình cảm lãng mạn của tôi với Clare và tình bạn của tôi với Viola Brind. Dĩ nhiên thêm vào đó tôi đã học được nhiều điều từ những bài giảng của thầy, nhưng tôi không  thấy là đã có hy sinh gì về phần mình so với quan điểm và triết lý mà thầy đã giảng.
Tôi thấy Chân Sư tỏ ra nghiêm trang khác thường khi tôi bước vào phòng làm việc của ngài. Tôi không hàm ý là ngài có chút ưu tư rầu rĩ nào, mà hoàn toàn chỉ muốn nói là vẻ bình thản, hiền từ và tình thương như tình phụ tử trong cá tính đa diện của ngài hiện ra nổi bật hơn vào sáng hôm đó.
Chúng tôi bắt tay và tôi ngồi xuống chiếc ghế bành thoải mái mà ngài đẩy tới trước mặt tôi, trước lò sưởi củi cháy rực. Ngài mở lời.
– Này con, hẳn con nhớ khi thầy viết thư kêu sang đây, chuyện có một mục đích rõ ràng. Thầy có hứa sẽ cho con rõ điều ấy khi tới đúng lúc.
Tôi gật đầu. Thầy nói tiếp.
– Vậy, thầy nghĩ nay có thể cho con hay thầy đã tính chuyện chi. Con đang tới một giai đoạn trong cuộc tiến hóa của mình và có lẽ con nhớ thầy có viết là trừ phi phải thực hiện một việc nhất định, con không có cơ hội tiến xa hơn nữa trong kiếp này. Con nhớ chăng ?
– Con có nhớ.
– Con à, thầy sẽ kêu con làm một chuyện mà nó có nghĩa là trọn cuộc đời của con sẽ thay đổi, và như thầy đã cho hay, sẽ đòi hỏi phải quên mình lớn lao và ngay cả việc đi ngược lại vài ý tưởng mà con hết sức quí chuộng. Nhưng ta hy vọng và nghĩ là đức tin con đủ mạnh để ý thức là khi kêu con làm vậy, không những thầy quan tâm đến sự tiến hóa mà luôn cả hạnh phúc của con. Phải, đó là hạnh phúc lớn đến mức ngay cả óc tưởng tượng của con người thi sĩ nơi con cũng chỉ có thể lờ mờ cảm thấy mà thôi. Quả thật có những lúc con cảm được tâm An Lạc mà tất cả đệ tử nơi đây đang gắng đạt tới, nhưng cảm được vậy chỉ làm con càng ao ước có được trạng thái trên thường hơn. Có phải thế không ?
– Đúng lắm ạ.
– Thế thì, như ta đã giảng tối hôm nọ, không phải có một mà có nhiều cách để đạt tới chuyện đó.  Có phương pháp tham thiền mà con đã tập rồi, và còn một cách khác – một phương pháp mau hơn và anh hùng hơn. Đó là đặt mình vào trạng huống mà ta bị bắt buộc phải đạt tâm An Lạc và Thương Yêu, bằng không thì phải bị đau khổ.
– Nhưng làm sao người ta tạo những điều kiện như thế? Tôi hỏi, hết sức ngẩn ngơ.
– Này con, hẳn con có thể đoán được từ những bài giảng của chúng ta. Nhưng giảng cho cả nhóm là một chuyện, mà yêu cầu cá nhân con thực hiện đề nghị của thầy lại là chuyện khác. Trên thực tế thầy chỉ có thể yêu cầu rất ít người trong nhóm này của chúng ta làm điều mà thầy sắp yêu cầu con làm; không phải ai cũng ở trình độ tiến hóa có thể qua được thử thách đó.
– Nhưng thầy chưa nói đó là gì ? Tôi nói, cảm thấy sự căng thẳng làm đau đớn.
– Tới ngày giờ sẽ hay, tuy thầy không bắt con phải bị căng thẳng lâu hơn đâu. Ngài ngưng giây lát rồi nói tiếp. Con sắp 50 tuổi, phải chăng ? và tới nay chưa có kinh nghiệm mà thầy xem là hết sức tốt lành cho vài loại linh hồn. Con à, kinh nghiệm đó là hôn nhân, vì sống độc thân cả đời là chuyện không tốt, không nghĩ tới ai khác ngoài chính mình mà thôi.
Tôi nghĩ ngay đến việc là thầy muốn tôi thành hôn với Clare, nhưng tôi kinh ngạc quá khiến không thể giả vờ là mình vui hay buồn.
– Con không thích cuộc sống lứa đôi, con không tin vào hôn nhân vì con ý thức là chưa tới 1/1000 trường hợp có tình yêu kéo dài mãi mãi và cuộc hôn nhân được thành công. Phải thế chăng ?
– Dạ, đó là quan điểm của con.
– Nhưng con có nghĩ là bất cứ sự không ưa, khắc kỵ nào, nhất là mạnh như vậy, có ích cho linh hồn chăng, nó có ngăn trở sự Tiến Bộ chăng ? Ngoài ra, hãy nghĩ xem con sẽ học được nhiều điều khác khi cố công khắc phục tính ghét bỏ đó, như thầy đã vạch rõ chỉ mới hôm kia ?
– Vậy thầy muốn con ... thành hôn ... với Clare ? Tôi ấp úng nói.
Ngài lắc đầu nghiêm nghị.
– Làm vậy thực ra chỉ là thành hôn để con có vui thú. Con yêu Clare. Người ta không đạt được tâm Thương Yêu bằng cách thương ai mà ta đã có tình thân ái rồi, mà chỉ bằng cách thương ai mà mình chưa yêu quí.
– Nhưng hẳn là, tôi kêu lên, người ta có thể làm vậy mà không cần phải lập gia đình với họ ?
– Người ta có thể làm, nhưng không ai làm, ngài đáp. Rồi còn những lý do khác có liên hệ với quá khứ, lý do nhân quả. Và ngay cả như thế cũng chưa phải là hết mọi chuyện trong trường hợp của con, thầy còn những động cơ đáng kể hơn nhiều khi đề nghị con lập gia đình với một người đặc biệt, người mà tính ra con chưa thương yêu.
Rồi bất ngờ có chấn động làm tôi hiểu ra mọi việc.
– Phải thầy muốn nói cô Viola Brind ? tôi nói, ráng sức che dấu cảm xúc trong lòng.
– Phải, đó là cô Viola Brind.
Trong một lúc tôi chán ngán nhìn vào lửa trong lò sưởi, không nói nên lời. Làm như thể ngài đòi hỏi chuyện quá sức tôi, mà cùng lúc đó tôi hiểu không nên từ chối ngài. Trong những giây phút ấy tôi thấy mình từ bỏ Clare, với bao luyến tiếc sinh ra do hành động ấy, và rồi cột chặt mình vào cô gái nay tôi thấy rõ hơn bao giờ hết là không quí mến cô chút nào; thực vậy, cảm tưởng chống đối cô không giải thích được mà đã làm tôi bận lòng nhiều lúc, nay đột nhiên hóa mạnh đáng sợ hơn bội phần. Tôi cảm thấy ý tưởng thành hôn với cô đáng ghê hết sức, và gần như tức giận là tại sao thầy M.H. lại đòi hỏi tôi chuyện như thế được.
Giọng nói của ngài phá vỡ sự trầm ngâm suy nghĩ của tôi, nó vang lên nhẹ nhàng không sao tả được.
– Con à, ngài nói, chạm vào tay tôi, thầy tiếc là con phải đau khổ, nhưng hãy tự an ủi chút ít với ý nghĩ là nếu con không có đức tin không sao lay chuyển và sự vâng lời không nao núng, hẳn ta không thể nào đặt con trước thử thách này. Ngay cả hiện giờ, hãy nhớ rằng ta không hề ép buộc một đệ tử nào làm điều gì trái với ý muốn của họ – tất cả đều là cá nhân tự do và phải tự lo cứu độ mình. Con không phải trả lời thầy ngay hôm nay, thầy mong con không làm vậy mà tốt hơn nên có giờ suy nghĩ.
'Lúc này tư tưởng quá đỗi mới mẻ nên con kinh ngạc là chuyện tự nhiên, nhưng hãy tin thầy, chuyện đáng nói là con người có thể thích ứng mau lẹ ngay cả với điều gì kỳ dị nhất. Cứ thong thả, nghĩ tới lui trọn câu chuyện cho kỹ rồi chọn lựa. Trong lúc này hãy thổ lộ với thầy hết mọi điều, và hỏi bất cứ điều gì tâm con thắc mắc.
– Thầy bảo hỏi ngay bây giờ ư ? tôi nói.
– Phải, con à; thầy đặc biệt dành giờ trống cho chúng ta được rộng rãi thời gian nói chuyện với nhau.
Tôi im lặng một chốc; trí não hoang mang quá và tôi có bao điều muốn hỏi mà không biết bắt đầu từ đâu.
– Nhưng còn chính cô Viola thì sao ? cuối cùng tôi nói.
– Cô sẽ ưng thuận nếu con chịu.
– Tội cô chưa, tôi lẩm bẩm có chút cay đắng, mà cô thương người khác ... Rồi đột nhiên tôi hỏi. Con nghĩ thầy muốn đó là cuộc hôn nhân trong trắng phải không ?
– Này con, không phải vậy, thầy muốn con thành hôn theo trọn nghĩa của điều ấy.
Tôi sững sờ nhìn ngài.
– Nhưng ý tưởng ghê sợ quá, tôi kêu lên, con không nghĩ là có thể ...
– Lúc mới đầu nó có thể làm con dội ngược, thầy nghĩ vậy, nhưng về sau thì khác. Và hãy thử nghĩ xem con có thể học được điều gì khi chế ngự được lòng chán ghét đó. Ngoài ra có những lý do khác để con nên khắc phục nó. Có một linh hồn đặc biệt mà hai con có thể tạo thể xác cho họ; linh hồn này tiến hóa cao nên không thể tái sinh do dục tình mà chỉ có thể tái sinh do kết quả của lòng tự hy sinh và có cân nhắc. Các thể sinh ra do dục tình có thể rất thích hợp cho linh hồn có tính đồng bóng, nhưng linh hồn tiến xa không thể tái sinh bằng cách ấy.
Tôi gục đầu xuống hai tay.
– Này con, chuyện không phải hợp lý sao, ngài nói tiếp, là linh hồn tiến xa như hai con nên tạo thân xác cho những linh hồn tiến xa khác ? Làm sao các linh hồn như thế có được những thể thích hợp nếu con và những người như hai con, từ chối không làm bổn phận của mình ?
Tôi vẫn nín lặng.
Dù ngài có đưa ra cũng những ý nghĩ này trong bài giảng của thầy về 'Maya – Ảo Ảnh' vào tối hôm trước, và trí não tôi chấp thuận nó hoàn toàn, ngài thấy rõ sự việc lại là điều khác hẳn khi tôi bị yêu cầu thực hiện nó.
– Còn một điều khác thầy phải cho con hay. Giữa con và Viola có nhân quả cần hóa giải. Con có biết tại sao tâm con nẩy sinh cảm tưởng thù nghịch đối với cô chăng ? Nó là do hành động sai lầm trong quá khứ. Con à, nếu không chịu hóa giải trong kiếp này thì con phải làm điều ấy trong kiếp tới, việc chỉ có nghĩa là dời lại mà thôi. Con có thể tức giận về điều thầy yêu cầu con làm, nhưng việc con có nhân quả phải trang trải cho hết thì không phải là lỗi của thầy, phải không ?
Tôi cầm lấy tay ngài siết chặt để trả lời.
– Và rồi còn công tác phải làm, ngài giải thích. Hẳn con nhớ thầy có nói là nếu con thực hiện chương trình của ta, cảm hứng con sẽ trội hơn nhiều phần. Và không phải đó là chuyện tự nhiên sao ? Hãy nghĩ xem thơ của người mà tâm thức nhuốm sự An Lạc, Thương Yêu sẽ ra sao ! Có phải là họ sẽ vượt xa những thi sĩ khác trong thời đại của họ chăng ? Nhưng thêm vào hết các chuyện ấy là Viola do loại nhãn quan lạ lùng của cô, có thể giúp con theo cách mà con không ngờ được.
'Cô có thể thấy những cõi khác và cho con hiểu biết trực tiếp mà con khó có thể có được. Đôi lúc cô cũng có thể cho phương tiện tiếp xúc giữa con và thầy; vì thầy không muốn con ở luôn nơi đây. Nó không phải là bầu không khí thích hợp cho con, lại nữa thầy có công chuyện cho con làm bên Anh. Con cũng phải làm việc hướng dẫn, chỉ dạy.
Tôi bắt đầu thấy sự việc bớt ảm đạm hơn.
– Có lần thầy nói là con có thể giúp cho cô, nhưng bằng cách nào ?
– Con à, về mặt tiến hóa thì con khôn ngoan hơn cô, và vai trò của con là hướng dẫn cô điều gì mà cô còn thiếu, vì dù với trọn những khả năng của mình cô vẫn chưa phải là linh hồn già dặn như con. Sự phối hợp giữa óc khôn ngoan sáng suốt nơi con và trực giác của cô sẽ tạo nên vùng từ lực thích hợp, để các Chân sư có thể làm việc xuyên qua cả hai con. Nhờ sống chung với nhau, kết quả sinh ra là có sự hòa hợp các bầu không khí và đó là tại sao cuộc hôn nhân giữa con và Viola lại quan trọng như vậy.
Tôi lại yên lặng nữa, tuy cảm thấy bớt sầu não khi ngài đã giải thích nhiều như thế.
– Còn điều gì khác con muốn hỏi không ? thầy nói.
– Về cô Clare thì sao ? Con đang si tình, thương yêu cô say đắm.
Ngài nhìn tôi cười một cách bí ẩn.
– Đừng lo, con à. Thầy nghĩ là Viola sẽ không ghen mà cũng không đòi con phải bỏ Clare. Theo thời gian mọi việc sẽ tự thu xếp ổn thỏa.
– Ồ, con không phải là người nghĩ rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi, con biết là nó không phải vậy mà cho dù được vậy, làm sao con có thể biết chắc là mình sẽ không bị phụ nữ khác lôi cuốn ?
Tôi đứng lên khỏi ghế và bắt đầu đi tới lui.
– Không ai đòi hỏi con phải biết chắc. Ngược lại chuyện của con và Viola là cho thế giới thấy cuộc hôn nhân lý tưởng trong tương lai là sao, một cuộc hôn nhân tự do vượt khỏi tính ghen tương và việc sở đắc cho mình.
– Nhưng chắc chắn đó là chuyện dễ khi người ta không thương yêu nhau ?
– Con quên điều thầy đã nói, con à. Thầy không bảo là các con sẽ luôn có lòng si mê với nhau, mà đó cũng không phải là chuyện đáng ao ước; nói cho cùng thì lòng si mê cũng chỉ là một hình thức của sự trói buộc. Thầy nghĩ con sẽ thắng được lòng không ưa kề cận xác thân, nhưng nó khác với việc có sự  thiết tha đắm đuối.
'Điều thầy thấy được về con là có sự hòa hợp tinh thần và trí tuệ, tình bằng hữu theo mọi nghĩa của nó, và đương nhiên với nó là sự tự do hoàn toàn, vì tình thương chân thực sẽ không có ràng buộc hay ghen tương. Thầy cho rằng con biết nguyên ngữ của 'ghen tương – jealous' 'để tâm canh chừng – watchful', ngài giải thích. Vậy con thấy không phải sợ bị mất tự do. Như con sẽ không ghen nếu Viola bị người nam nào khác thu hút, thì cô cũng sẽ không ghen nếu con thấy bị phụ nữ khác lôi cuốn. Không ai có quyền giữ riêng người nào khác cho riêng mình – đó là điều ta ra sức chỉ dạy các đệ tử ở đây, và đó là tại sao ta hay ám chỉ tới nó trong các bài giảng. Thầy muốn học trò của thầy truyền rộng cái lý tưởng cao cả hơn về hôn nhân, và lòng chung thủy loại cao hơn.
– Không dễ gì chỉ dạy cho một thế giới chỉ biết phải cưỡng ép mới có được lòng chung thủy.
– Hoặc là lòng chung thủy rất mực bất kể gì khác, ngài thêm vào, mà vậy cũng không phải là lý tưởng vì nó có thể dẫn tới tính ích kỷ gấp đôi. Đúng là hai người  nên có lòng hiến dâng sâu xa và đẹp đẽ của người này cho người kia, nhưng nó không đúng khi họ say đắm mê mẩn nhau tới mức không còn tình thương cho ai khác.
Khi có chuyện như vậy, làm sao họ mong làm lành trong thế giới này bằng cách giúp đỡ người khác ? Họ có muốn giúp ai chăng trừ phi họ thương yêu người đó ? Vì tinh thần phụng sự bắt đầu với tình thương. Và do đó điều ta thấy trước cho con và Viola thì không phải là tình thương ích kỷ chỉ hướng tới nhau, mà hai con sẽ thành bạn đường giúp lẫn nhau, hợp nhất trong tinh thần và tình yêu, mặc dù vẫn được tự do. Ở những cõi cao giữa hai con đã có sự hợp nhất nhưng vì lý do nhân quả nó chưa lan xuống tới cõi trần ... Nay có điều gì khác con muốn hỏi chăng?
– Lúc này con không nghĩ ra điều gì khác, tôi đáp.
– Vậy được lắm. Hãy suy nghĩ kỹ đi, và hãy chọn một cách khôn ngoan sáng suốt. Trong lúc này hãy ráng sức nghĩ tới Viola với tình thân ái. Hãy dùng sự tham thiền và sự gợi ý cho mục đích này, chúng sẽ giúp cho con.
– Con sẽ ráng, tôi nói có hơi nghi ngại.
– Và thành công, ngài thêm vào làm trọn câu.
Tôi sửa soạn về. Thầy cầm lấy tay tôi trong chốc lát khi chúng tôi chào nhau.
– Mà này, ngài nói, thầy rất vui là con đã theo lời thầy khuyên và không bỏ bê công việc của mình, con đã biến tình thương mà con đang cảm nhận thành chuyện hữu ích. Nếu con cũng thử diễn tả sự dằng co xáo trộn trong tâm bằng thơ thì không những con được nhẹ lòng mà còn làm được việc tốt đẹp. Phận sự của thi sĩ là lý tưởng hóa sự đau khổ, và cống hiến cho đời kết quả của việc ấy. Chớ bao giờ quên việc đó, và hãy biết ơn rằng con có khả năng làm như thế.
'Người bình thường hân hoan hay đau khổ theo trường hợp, nhưng ai có lợi nhờ niềm vui hay sự đau khổ của họ ? Với con thì là chuyện khác, vì vậy, con à, hãy khiến sao cho con lợi dụng được sự khác biệt đó. Và hãy biến nó thành sự an ủi cho con khi cảm thấy người khác có thể được sự tốt lành nhờ sự đau khổ của con. Thầy ban ân lành cho con, ngài thêm vào, ôm choàng lấy tôi.

 

CHƯƠNG  XVII

HỆ  QuẢ

 

Ý định đầu tiên của tôi khi rời nhà Thầy là đi thẳng tới nhà Clare để được an ủi, nhưng bởi không chắc là nàng có nhà hay không, tôi nghĩ tốt nhất là về chỗ trọ ở hội quán và gọi điện thoại cho nàng. Khi vào phòng tiếp khách và theo thói quen nhìn lên hộp thư, tôi thấy mình có thư. Không để mắt tới bì thư — tôi miên man theo đuổi tư tưởng của mình nên không chú tâm đến chuyện gì khác — tôi mở ra và đọc:

Bạn đồng môn thân mến,
Ba tôi đã tới New York để lo công việc nên tôi lên đó gặp ba khoảng một tuần hay mười ngày. Bây giờ thì anh đã biết rồi. Thầy đã cho tôi hay hôm qua. Tôi hết sức tiếc cho anh và không biết nói chi. Tôi chắc hẳn anh đã ước là phải chi không gặp tôi. Tuy nhiên, nếu bắt buộc thì tôi muốn anh biết là tôi sẽ cố gắng hết sức để không làm chuyện hóa khó hơn cho anh. Quả đó là chuyện lạ khi hai người phải an ủi nhau vì phải thành hôn với nhau, nhưng nếu chúng ta cố gắng thì chắc đó là bước đầu tiên dẫn tới điều Thầy mong muốn. Tôi không thể viết gì thêm, chỉ vào phút chót tôi mới quyết định là viết cho anh mà thôi.

Thân,

Viola Brind.

Sao đi nữa, tôi vừa nghĩ vừa nhét thư vào túi, cô đã khơi chuyện thì nay việc gặp mặt của hai chúng tôi trong hoàn cảnh kỳ lạ này sẽ không còn mấy ngượng ngùng nữa. Rồi tôi gọi điện thoại cho Clare,   gặp được cô trả lời.
– Anh muốn gặp em ngay, tôi nói.
– Được chứ, anh yêu. Có gì không ổn hay sao ? Giọng anh nghe lạ quá.
– Anh có hơi bực mình – về một chuyện ...
– Oh, tội nghiệp anh chưa ! Đến ngay đi rồi ở lại ăn trưa. Mẹ đã đi Brooklyn đến tối mới về, em nghĩ vậy.
Mười phút sau tôi vào phòng khách của nàng.
– Có chuyện gì ư ? nàng kêu lên, ôm chầm lấy tôi, trông anh tệ quá; trông anh lạ lùng và phờ phạc quá.
Tôi ngồi xuống cạnh nàng trên ghế sofa và tựa đầu vào vai nàng. Nàng đưa cả hai bàn tay cầm lấy tay tôi.
– Anh yêu, chuyện gì vậy ?
– Có chuyện hết sức lạ lùng, anh vẫn chưa thể tin được.
– Có ai qua đời sao ?
– Không, không phải thế.
– Vậy chuyện gì ?
– Thầy muốn anh lập gia đình, tôi buột miệng nói.
Cô giật mình thấy rõ.
– Lập gia đình ! Nhưng mà ...
– Than ôi, không phải kết hôn với em, cưng à. Anh cầu Trời phải chi là vậy ...
Dù không thể thấy mặt nàng, nhưng nghe cách thở tôi biết là nàng bị chấn động.
– Tội anh chưa, nàng thì thào sau một lúc yên lặng. Nhưng em không hiểu – anh có làm cô nào bị trục trặc gì không ?
– Thánh thần ơi, không có ! Tôi la lớn, ngẩng đầu lên.
– Thế thì là sao ?
– Oh, chuyện dài lắm, tôi mỏi mệt nói, và em phải chịu tin mới hiểu được chuyện.
– Tuyệt đối bắt buộc anh phải làm thế à ? Giả sử anh nói 'Không' thì sao ?
– Căn cứ vào tình trạng thì anh có điên mới nói 'Không' – ngài nói làm vậy có nghĩa rõ rệt là trong kiếp này anh không tiến hơn được nữa.
– Em chịu thôi, nàng thở dài ra dấu bị rối trí.
Tôi mới kể cho nàng nghe về cuộc nói chuyện giữa thầy M.H. với tôi và tất cả những điều ngài nói. Clare lắng nghe với sự ngạc nhiên tăng dần, rồi tôi kết luận.
– Sao đi nữa, chuyện ấy chẳng gây ra thay đổi gì cho hai ta.
Nàng lắc đầu thiểu não.
– Em sợ là nó sẽ làm thay đổi mọi chuyện cho ta.
– Nhưng làm sao được ? Tôi kêu to.
– Anh là người đàn ông đã hứa hôn ... chuyện không còn như xưa – hai ta không nên gặp nhau thêm chút nào nữa.
– Em muốn làm chuyện khó thêm cho anh hay sao đây ? Tôi buồn bã hỏi.
Nàng lặng thinh.
– Đúng thế không ? tôi hỏi gặng.
– Phải nghĩ đến Viola – cô là bạn của em.
– Nhưng chắc chắn em không nghĩ là cô sẽ phiền lòng chứ ?
– Phụ nữ có tánh lạ lắm, mình không biết được.
– Nhưng ngay cả Chân sư cũng không nói là hai đứa mình phải chia tay nhau kia mà !
Chuông báo hiệu cơm trưa đã dọn, và tôi rủa thầm sự phá đám ấy.
– Clare ! Tôi than thở tuyệt vọng, Anh đau khổ chết đi được, nhưng nếu còn phải mất em ... Hãy nói là mọi việc suông sẻ trước khi ta xuống nhà.
Nàng nhún vai,
– Cho em có giờ suy nghĩ, giọng nàng cứng lại, bây giờ em không biết mình đang ở đâu ...
Nàng đi trước dẫn đường vào phòng ăn. Ngồi ở bàn tôi không có bụng dạ nào để ăn, lẽ tự nhiên là không sao tiếp tục thảo luận câu chuyện; và bởi tôi không có hứng nói đề tài nào khác nên bầu không khí căng thẳng. Clare đưa đẩy chuyện nhưng nó chỉ làm tôi bực bội và muốn có sự yên tĩnh để suy gẫm những tư tưởng trái ngược. Thêm vào những chuyện khác là tôi thấy tội nghiệp Clare. Ý tưởng làm nàng bị tổn thương giống như con dao đâm xuyên qua người tôi. Nếu có thể làm cho nàng hiểu và nhìn sự việc như tôi nhìn thì mọi chuyện có thể tương đối tốt đẹp cho cả hai chúng tôi, trừ phi –
Bất chợt tôi nhớ ra là đã quên hỏi khi nào Thầy muốn tôi thành hôn. Có phải là sắp tới đây lúc tôi vẫn còn thương yêu Clare, hay ngài có bằng lòng nếu tôi chờ một, hai năm – bao lâu đây ? Ngài có nói là chuyện giữa Clare và tôi sẽ tự nó giải quyết lấy, nhưng vậy có nghĩa là sao ? Sao tôi không nghĩ ra để hỏi cho rõ điều quan trọng ấy ? Chắc chắn tôi sẽ hỏi ngài tối nay sau buổi giảng; tôi phải biết ngay và cũng tin là Clare muốn vậy.
Tuy sau bữa trưa chúng tôi thảo luận chuyện này gần hai tiếng đồng hồ, và có lẽ sẽ tiếp tục lâu hơn nếu phải chi nàng không có một cuộc hẹn, nhưng chuyện không đi tới đâu. Rõ ràng là dù phóng khoáng cởi mở Clare vẫn có ngại ngùng, nàng nói xa xôi cho tôi biết rằng tiếp tục cuộc tình với một người đàn ông đã hứa hôn hoặc có gia đình, là điều không nên và không phải.
– Nếu anh muốn giải quyết chuyện này ngay, nàng nói, giọng vẫn còn cứng, thì mình phải quyết định là chia tay nhau, nhưng nếu một năm sau mới phải làm thì – em nghĩ khi đó anh đã trở về London rồi và như vậy – trước sau gì mình cũng chia tay nhau.
Lúc này chúng tôi cho chuyện là vậy.
Tôi tìm cách có được vài lời với thầy tối hôm ấy, tuy phải nói vội vàng bởi thầy sắp đi chuyến xe lửa tối cho một trong những chuyến đi bí ẩn của ngài.
– Thầy muốn con – con thành hôn sớm tới chừng nào ? tôi hỏi, thầy không muốn con làm liền phải không ?
– Khó thể được, con à, ngài dịu dàng đáp, vì nhiều lý do chuyện chỉ có thể làm được khi cả hai con trở về Anh.
– Con hỏi vì Clare, cô nghĩ ..., tôi ấp úng.
– Nào, con à, chuyện gì thế ?
– Cô nghĩ rằng phải chia tay với con, nếu chắc chắn là ... con hứa hôn.
– Cô cũng có thử thách phải trải qua và có Karma phải trang trải. Thầy không thể ra lệnh bảo cô  quyết định chuyện này hay kia. Cả hai con đều không còn là trẻ con nữa. Ngài cười một cách nghiêm trang. Đây là chuyện chỉ có thể giải quyết giữa hai con với nhau.
– Tuy nhiên đã thấy trước mà thầy vẫn khuyến khích chúng con ... ?
– Có thiện cảm với ai được xếp đặt phải trải qua cuộc tình thì không nhất thiết là khuyến khích việc ấy. Như ta có nói, Karma ra sao thì chuyện phải xẩy ra thế ấy. Công việc của thầy là biến kết cục thành việc tốt lành. Điều duy nhất thầy đề nghị là hãy để cô cân nhắc sự ngại ngùng của mình, xem nó có là tính xả kỷ chân thực hay không.
Vậy ra Clare cũng đang bị thử thách ! Tôi nghĩ thầm lúc thả bộ về nhà trọ. Đêm đã khuya không tiện đến nhà nàng hay gọi điện thoại, thành ra tôi không thể làm nàng yên tâm về cuộc hôn nhân của  tôi, mà phải chờ đến hôm sau. Tới ngày, tôi làm y vậy và sau nhiều giọt lệ cùng với nhiều gay go cho nàng, tôi làm Clare nhìn sự việc theo quan điểm khác; và cuối cùng có dàn xếp là bằng bất cứ giá nào vào lúc này chuyện không có gì thay đổi giữa hai chúng tôi.

 

CHƯƠNG  XVIII

TÍNH  THÍCH  NGHI

 

Thầy đi xa mãi đến thứ tư tuần sau mới về nên phải tới buổi giảng tôi mới gặp được ngài; sao đi nữa thỉnh thoảng tôi cảm được ngài rất gần gũi, như thể ngài gợi hứng tôi bằng cách khích lệ và thông cảm. Trong những ngày đó tôi có vài tiến bộ rõ rệt, tuy đôi lúc cảm tưởng khó chịu đối với Viola nổi lên rất mạnh. Nhưng có một điều mà tôi chắc chắn đạt được là sự quyết tâm làm theo dự tính cho dù ra sao cũng mặc. Tôi cũng gắng hết sức để viết cho Viola một thư thân ái, cho cô hay rằng ước muốn của thầy là luật đối với tôi, và tôi đoán cô cũng xem nó y vậy, và rằng tôi sẽ làm hết sức mình để việc không quá khó khăn cho cô. Tôi ghi thêm là xin cho tôi hay khi nào cô trở về để hai chúng tôi có thể gặp nhau, như cô đề nghị, là 'an ủi nhau vì phải thành hôn với nhau'.
Cô hồi âm bảo rằng sẽ trở về thứ năm, ngày sau buổi giảng, và tôi đến nhà trọ cô dùng trà được không ? Nhưng tôi sẽ viết về chuyện ấy trong những trang sau, vì ở phần này tôi chú trọng đến bài giảng của thầy.
– Nào, đề tài tối nay là chi ? ngài hỏi khi bước lên bục nhỏ. Ai có đề nghị gì không ?
– Sao mình không cứ nói chuyện để coi có gì xẩy ra ? Arkwright nói.
Thầy M.H. cười, mấy người khác cũng vậy.
– Tốt hơn con nên kêu một cô làm vậy, ngài nhận xét, và cô sẽ nói cho con nghe về triết lý của ...
– Nón ..., Heddon nói khô khan, lớp lại cười nhiều hơn nữa.
– Cám ơn, con à, nói vậy làm thầy nhớ đến một chuyện xẩy ra ở Anh cách đây không lâu. Có thể con biết hay không biết là thánh Paul có lần nói rằng không phụ nữ nào được vào nhà thờ mà để đầu trần. Kết quả của lời phán này là một số giáo sĩ làm lớn chuyện vì có vài bà hay cô vào nhà thờ mà không đội nón. Những giáo sĩ ấy có vẻ không ý thức rằng vào thời thánh Paul và trong nước mà ngài sống, phụ nữ vào nhà thờ hay bất cứ nơi nào khác mà để đầu trần, thì tương tự như ngày nay là vào nhà thờ mà không mặc gì khác ngoài đồ lót.
Một tràng cười khác nổi lên khi thầy nói dứt.
– Phải, nó thật khôi hài, thầy M.H. đồng ý, mà cũng dạy cho ta. Nó gợi ý đủ tới mức cho ta một đề tài tối nay. Các con đoán xem chủ đề tối nay là gì ? Thầy cho con được phép đoán ba câu.
– Triết lý y phục, có ai đó nói.
Thầy lắc đầu.
– Thánh Paul là một đạo đồ, Arkwright nói.
– Hiển nhiên quá. Tìm ý khác tế nhị hơn.
– Óc thiển cận, câu đoán thứ ba đưa ra.
– Trật hết. Đề tài thầy có trong trí là Sự Thích Nghi, theo ý thích nghi với những lời dạy tâm linh, huấn thị, chỉ dạy trong những  hoàn cảnh, quốc gia và thời đại khác nhau của lịch sử. Chuyện thầy vừa kể cho thấy các giáo sĩ có đầu óc không sáng suốt, ý họ muốn thấy quí bà quí cô vào nhà thờ đội nón không hay chút nào, chi bằng thay vào đó họ đưa ra đòi hỏi là ngày nay ai cũng phải tháo nón khi bước chân vào giáo đường. Bởi nón làm cho người ta thay vì chăm chú dự lễ thì mỗi bà hay cô không chừng khen thầm, hay ganh tị, hay chỉ trích bất cứ cái nón nào họ thấy.
'Vậy thì, rõ ràng là mỗi phép tắc và qui luật đạo đức hay tôn giáo thốt ra hai ngàn năm về trước không thể áp dụng cho ngày nay mà không có chút biến cải lẫn thích ứng, khi thời đại và điều kiện vật chất thay đổi quá nhiều. Thầy bất kể những qui luật ấy có ghi trong sách thánh nào, hay do ai thốt ra, ý chính vẫn vậy. Không phải đức Chúa đã kể chuyện người có đồng vàng đem chôn tiền, và khiển trách họ là đã không tìm cách sử dụng đồng tiền ấy hay sao ? Và không phải đó chính là điều nhiều người làm với các qui luật đạo đức và tôn giáo ư, họ để nguyên chúng như thế, không thích nghi chúng với hoàn cảnh thay đổi của cuộc sống.
Chân sư lấy một điếu xì gà, lục trong túi tìm bao diêm, nhưng không kiếm ra nên hỏi xin.
– Hút thuốc cũng là một cách thích ứng, ngài nói sau khi mồi thuốc. Có lẽ vài người trong các con tự hỏi tại sao người mà con tin là đã có tâm an lạc, lại cần phải hút thuốc. Câu trả lời là họ không cần, nhưng họ vẫn hút thuốc, vì họ tự làm cho mình thích nghi với con. Nếu thầy không hút thuốc thì con có thể thấy không thoải mái khi muốn hút thuốc. Điều này không có nghĩa là thầy phải chịu đựng khổ sở và không thích điếu xì gà. Không đâu, vì khi ta không thích điều gì đang làm ta sẽ không vui phút đó, và hiển nhiên không có chuyện là người ta vừa có tâm an lạc mà cũng có dạ không vui cùng một lúc; trắng không thể là đen, và sự An Lạc không hề là cảnh thiếu vắng tính này.
'Nhưng thầy còn một lý do khác để hút thuốc, ấy là khai chiến chống lại điều dễ dàng trở thành tính giả hình về chuyện huyền bí. Trong vài cuốn sách triết lý và huyền bí học, thầy đọc thấy những câu gần như nói rằng muốn thành Chân sư thì người ta phải hành động – chà – nói cho sát là giống như người giả dối. Những cuốn sách ấy muốn ta tin rằng phải chớ bao giờ cười ha hả, rằng hút thuốc là chuyện tệ hại và dơ bẩn, rằng ta không được uống trà hay cà phê, không bao giờ để cho ông thợ hớt tóc mình vì từ điển xấu sẽ từ tay ông nhiễm vào cái đầu quí giá của ta; rằng khi vào nhà hàng thì chớ nên dùng muỗng nĩa trên bàn cũng vì từ điển xấu của chúng, mà nên mang theo và dùng muỗng nĩa của mình; hơn nữa không bao giờ nên ăn thức ăn chưa nấu chín trừ phi chính tay ta hái rau, cũng bởi có từ điển xấu do tay của người hái rau truyền vào, chuyện này chuyện kia cùng một ý như thế.
'Nào, thầy không hề nói rằng không có từ điển xấu, nhưng thầy nói rằng nếu con là người yếu ớt, nhậy cảm tới mức các thể bị ảnh hưởng như thế, thì con sẽ không tiến xa trong kiếp này. Đối với thầy trọn câu chuyện đề cao quá nhiều việc sống đời cô lập. Muốn ngăn cho con không làm, không thấy, không tiếp xúc với chuyện này, kia, nọ thì hãy khóa cửa giam mình trong tu viện, khi đó con sẽ được an toàn. Đó là ý thầy bị buộc phải nhận ra trong một loạt các ngăn cấm như vậy.
'Có phải sự tiến bộ của ta trên đường đạo sẽ bị ngăn trở vì một hơi khói thuốc, hay một chút từ điển xấu ư, ta là nô lệ cho hoàn cảnh chẳng đáng gì à ? Nếu thế thì triết lý thiêng liêng của ta có giá trị thật ít oi. Cốt tủy của giáo lý ấy hẳn phải nằm trong chữ miễn nhiễm; nó dạy ta cách không bị ảnh hưởng bởi vô số chuyện chẳng đáng trong đời, mà không phải tránh chúng bằng cách chạy trốn. Giáo lý của chúng ta còn dạy thêm một điều là thuật thích nghi. Triết gia chân chính thích nghi mình với những đòi hỏi của cuộc sống, mà không phải là muốn các đòi hỏi ấy phải thích nghi với họ.
'Nhưng chúng ta bắt đầu với ý muốn trưng ra nhu cầu có các lời dạy đạo đức và tôn giáo được thích nghi. Có ai trong các con có ý niệm rõ rệt về mục đích trọn vẹn của các bậc Huấn Sư Thế Giới ?
– Là nhấn mạnh những giai đoạn khác nhau của các lý tưởng tinh thần, có ai đó trả lời.
– Và thích nghi chúng với nhu cầu của thời đại, con phải thêm vào điều ấy, Chân sư chữa lời anh. Đó là tại sao một vị Huấn sư Thế giới không mà thôi thì chưa đủ cho mọi quốc gia và mọi thời đại. Hiển nhiên ngài có những phần việc khác mà con có thể tìm thấy các sách huyền bí mô tả, nhưng ta không bận tâm đến chúng lúc này. Ta có thể nói đúng hơn nữa là phận sự của ngài là tái thích nghi sự quân bằng giữa lý tưởng đạo đức và lý tưởng tinh thần. Các Chân sư có vai trò tương tự, nhưng trong khi mỗi vị Huấn sư Thế giới làm công việc này ở mức độ hết sức rộng lớn thì các Chân sư thực hiện nó ở mức độ nhỏ hơn; các ngài làm cho một số học trò của mình điều mà vị Huấn sư Thế giới làm cho nhân loại nói chung.
'Lý do thật rõ ràng. Những đệ tử ấy, do ước muốn thúc đẩy cuộc tiến hóa của mình, nay đã sẵn sàng ở giai đoạn mà đa số người sẽ chỉ đạt tới sau một thời gian dài đáng kể. Tự nhiên là điều ấy không muốn nói vị Huấn Sư thế giới sẽ phải chờ cho mọi người trên địa cầu đạt tới trình độ của người đệ tử thì ngài mới xuất hiện trở lại, nhưng nó có nghĩa là khối đông nhân loại sẽ cần phải tiến tới một mức nào đó, bằng không việc không đáng cho Ngài xuống trần. Khi nẫy ta có nói rằng Ngài đến để điều chỉnh sự thăng bằng giữa lý tưởng đạo đức và lý tưởng tinh thần, hãy để thầy đưa ra ví dụ.
'Có lần chúng ta nói về Karma và giải thích là một số người có thể coi trọng nó quá đáng, nay giả dụ thuyết Nhân Quả bị bóp méo giống như đức tin bị biến dạng trong những nước theo Thiên chúa giáo, chẳng hạn điều không đúng hay được rao giảng là chỉ cần có đức tin thì lập tức con người được cứu rỗi. Vậy thì vị Huấn sư Thế giới sẽ làm gì ? Ngài sẽ phải nhấn mạnh tính cách khác của chân lý trong tôn giáo và triết lý, để khiến cho tư tưởng về Karma mờ nhạt đi. Chỉ bằng cách làm vậy Ngài mới có thể điều chỉnh được sự thăng bằng.
'Áp dụng cho đạo đức cũng vậy. Ngài sẽ đặt ra những lý tưởng đạo đức mới cho nhân loại nói chung, tựa như chúng ta các Chân sư ở mức độ nhỏ hơn, đặt ra những lý tưởng đạo đức cho đệ tử của chúng ta. Nó làm thầy nhớ lại là có một đệ tử của thầy viết sách nói về cái tôi nhỏ bé của thầy, tuy không cần phải nói là anh giữ ý hết sức và viết mà che đậy, bằng không, thầy nhún vai tỏ ý khôi hài trịnh trọng, hẳn sẽ có chuyện trục trặc.
'Trong quyển sách có ghi ra vài quan điểm của chúng ta về hôn nhân, thầy không phản đối điều ấy vì hy vọng là chúng sẽ mang lại chuyện tốt lành. Anh đệ tử của thầy có một cô bạn gặp rắc rối nên tìm đọc sách về huyền bí học loại cao để được an ủi; anh cho cô mượn vài quyển trong đó có quyển sách ẩn danh nói về thầy. Cô đọc sách và lần sau khi anh đến chơi, thầy quyết định thông với tâm thức của anh vì muốn hỗ trợ anh giúp cho cô bạn. Anh không biết điều này nhưng việc ấy không liên can gì ở đây. Điều ta quan tâm là nhận xét đáng nói của cô bạn về quyển sách và về thầy. "Thiệt tình", cô bạn nói, "tôi hết sức thất vọng với cuốn sách mà anh đưa tôi mượn về vị Chân sư. Ý tưởng của ông về tình yêu và hôn nhân – trời đất – thiệt là vô đạo đức ! Nếu đó là chuyện mà Chân sư giảng dạy thì ..." cô không nói hết câu.
Câu chuyện về chính ngài làm cả phòng cười rộ.
– Có lẽ các con nghĩ, thầy M. H. nói tiếp và ánh mắt lộ nét ranh mãnh, hẳn thầy muốn độn thổ khi nghe lời phê bình về mình như thế, nhưng mà không, bây giờ thầy đã quen chuyện ấy rồi, thầy bảo đảm với con là anh đệ tử cảm thấy ngượng ngùng hơn thầy rất nhiều. Và con thử xem chuyện ấy là sao ? Thầy chỉ làm dịu bớt một phụ huynh có tâm tính thật thiển cận đối với con cái đã trưởng thành của họ. Thầy khuyên giải một quân nhân tha thứ vợ mình và đón bà về thay vì trả thù như thói đời quen thuộc. Nói tóm tắt, thầy chỉ thích nghi tinh thần của những huấn dụ mà đức Chúa đã dạy với vài trường hợp khó xử của cuộc sống mới. Nhưng vì đề nghị áp dụng tinh thần ấy rộng rãi hơn mức thông thường, thầy làm thiếu phụ đáng kính ấy và nhiều người khác bị chấn động.
'Con xem, một số người dễ bị chấn động  với tính tốt khác thường lẫn tật xấu thông thường. Tôn giáo của ta cũng vậy, bao lâu mà chúng ta mộ đạo chút chút thì chẳng ai nói gì, nhưng vừa khi ta sống theo đạo đức khác với thói đời, thì người chung quanh nghĩ rằng ta bị mát dây. Đó là ý nghĩ nói rằng khác với người xung quanh về mặt này thì không nên, không hay, không hợp lẽ. Theo quan niệm của nhiều người, khác đời là có tội. Tội của thầy nằm ở việc đề nghị cách áp dụng lời dạy của đức Chúa mà cô bạn của anh đệ tử nghĩ là khác đời.
'Người như thế cần ý thức rằng sách ngay cả kinh thánh, về nhiều mặt tương tự như thuốc men. Sách dược phẩm liệt kê vô số các loại thuốc, nhưng đọc nó thì có ích gì trừ phi ta  cũng học cách chọn lọc và áp dụng, cùng thích nghi các thuốc khác nhau cho mỗi bệnh và bệnh nhân riêng biệt ? Chúng ta, các Chân sư, nếu có làm được việc chi, thì đó là chúng ta là y sĩ tinh thần; chúng ta nỗ lực chữa trị và nuôi dưỡng linh hồn của bệnh nhân, không phải chỉ bằng cách cho dùng thuốc tinh thần thích hợp, mà còn dùng đúng lúc.
'Để làm được việc ấy bắt buộc chúng ta phải có hiểu biết nhiều hơn, có óc nhận xét, tưởng tượng dồi dào hơn đa số người. Nhưng chúng ta muốn họ có một chút óc tưởng tượng  khi học hỏi điều về sau giúp họ đạt tới mức như chúng ta. Các Chân sư và các vị Huấn sư Thế giới không sao làm sẵn hết mọi chuyện cho ai có trí tuệ biếng nhác. Nếu con người thiếu óc tưởng tượng đến mức không hiểu rằng khi vị Huấn sư Thế giới dạy 'Hãy tha thứ kẻ thù của mình', là Ngài cũng muốn nói tha thứ luôn cả anh chị em, vợ chồng của ta, thì có gì là lạ khi trình bầy cách những lý tưởng này thực sự áp dụng sẽ đưa tới kết quả hợp lý, nó sẽ gây chấn động cho lối suy nghĩ của họ ?
'Vì vậy thầy đề nghị với các con, hãy chỉ dẫn con người tánh Thích Nghi, dạy người ta tự hỏi mình trong mọi cảnh huống ở đời, là họ có áp dụng lòng bác ái, khoan dung, và như vậy là con sẽ dạy họ một bài học vô giá.

 

CHƯƠNG  XIX

CUỘC  CHUYỆN  TRÒ

 

Hồi còn nhỏ tôi luôn luôn nghĩ rằng càng lớn thì người ta càng bớt những cảm xúc như ngượng nghịu, mắc cỡ và chuyện tương tự, nhưng tôi thấy điều này không đúng lắm. Thỉnh thoảng, ngay cả ở tuổi của này, có những trường hợp tôi vẫn có thể thấy hết sức ngượng ngùng, và viễn ảnh cuộc trò chuyện với Viola là một trong các chuyện ấy. Đúng là sự việc đã thông được phần nào nhờ có trao đổi thư từ, nhưng cho dù vậy tôi vẫn bối rối không biết sẽ nói gì khi vào chuyện.
Hóa ra cô mở lời trước.
– Nào, cô nói với nụ cười nhẹ khi chúng tôi bắt tay nhau, tụi mình tiêu tùng rồi. Tốt nhất là hãy nhìn khía cạnh khôi hài của nó.
– Phải, tôi nghĩ làm vậy là hay nhất, tôi cười nhưng tiếng cười của tôi có vẻ lo lắng. Tôi cũng để ý là cô bối rối cho dù ráng che dấu việc ấy.
– Tôi tự hỏi trước đây có ai trên đời gặp phải cảnh kỳ lạ này chưa, cô bảo.
– Chỉ có ở các triều đình, tôi nghĩ vậy.
Cô nhìn tôi thắc mắc.
– Thí dụ như khi một hoàng tử phải thành hôn với công chúa nước khác vì lý do ngoại giao.
– Oh, chuyện đó ư – đầu óc tôi hôm nay không được sáng suốt cho lắm.
– Tôi tin lắm – phải thành hôn với tôi ! Chuyện ngạc nhiên là cô không còn bị gì khác.
– Nhưng còn việc anh phải thành hôn với tôi.
– Thà là lập gia đình với một linh hồn tiến hóa mà Chân sư khen ngợi, hơn là thử thời vận với một cô khác.
– Tuy nhiên anh ghét chuyện hôn nhân phải không ?
– Làm sao cô biết ? tôi bắt đầu thấy bớt ngượng ngùng, tôi có nói với cô à ?
– Không, nhưng tôi vẫn biết.
– Nhờ thông nhãn ư (clairvoyance) ư ?
Cô lắc đầu.
– Thầy cho tôi biết.
Lập tức tôi cảm thấy thích thú dâng cao.
– Tôi tự hỏi cô có thấy thiệt là khó khăn lúc nghe thầy dạy như tôi bị không !
Tôi nói mà không suy tính trước, tình cờ buột miệng rồi nhận ra là không có nịnh đầm chút nào ... Hẳn nét mặt tôi lộ ra cảm xúc ấy vì cô cười và đáp.
– Oh, đừng lo. Tôi hiểu lắm. Tôi lấy làm tiếc cho anh hết sức.
– Và tôi thì tiếc cho cô.
– Sao đi nữa tôi không ghét hôn nhân nhiều như anh đâu – phụ nữ ít khi vậy, anh biết chứ.
– Nhưng phải lấy người mà cô không yêu thì xui hết sức.
Cô cúi đầu và yên lặng một chốc, tôi cảm thấy là cô đang nghĩ đến người đàn ông mà cô thương.
– Nhưng rồi tôi sẽ thương anh, cô nói, gạt bỏ sự rầu rĩ của mình qua bên.
Đột nhiên tôi co lại, tôi không muốn cô thương yêu tôi; tôi hình dung ra cảnh cô đầy tình cảm và ý tưởng làm tôi chán ghét. Tôi lại có cảm tưởng thù nghịch thật khó chịu, nó chiếm tâm hồn làm tôi không cất tiếng được. Tôi không màng nếu phải chi hai chúng tôi được cho phép giữ tình thân trong sạch, còn có mối liên hệ khác thì ...
Cô phá vỡ tư tưởng của tôi.
– Chân sư có nói anh hay là chúng ta đã làm gì cho nhau trong quá khứ không ?
– Không. Chỉ bảo là có Karma phải trang trải.
– Và cũng không nói là chúng ta đã thành hôn với nhau hồi trước rồi ?
– Không.
– Chà, mình đã làm vậy, mà làm hư chuyện tính ra tới hai lần.
– Phải đó là lý do xui khiến như tôi kể với cô hôm nọ không, cái cảm tưởng thù nghịch đó ?
– Đúng rồi, nó là nhân quả. Trong kiếp trước kiếp vừa rồi anh làm tôi bị đau khổ – và trong kiếp rồi tôi khiến anh bị đau khổ nên anh ghét tôi thậm tệ.
– Tôi làm gì cô trong kiếp trước kiếp chót ? Cô biết hay là thầy cho cô hay ?
– Anh lấy tôi mà thật tình không thương tôi, tuy mới đầu anh nghĩ  là thương tôi. Anh là học giả tài ba về triết học – loại mọt sách, và anh mê mải đắm chìm vào sự học hỏi của mình, bỏ quên tôi. Tôi đâm ra thương yêu đắm đuối một người đàn ông khác, chắc đó là kết quả; nhưng anh nhốt tôi vô phòng khóa lại và không cho tôi gặp người kia. Tôi tin là mình chết vì quả tim tan vỡ hay chuyện tương tự.
– Tôi đẹp đẽ chưa ! Tôi kêu to, hèn chi tôi bị yêu cầu giải quyết vấn đề. Rồi kiếp kế thì sao ?
– Tôi làm anh say mê tôi, rồi khi chiếm được anh thì tôi vất qua bên để làm bạn với người đàn ông khác, và anh đau nặng rồi chết trẻ.
– Cho đáng kiếp, tôi nói, Chân sư thuật hết chuyện cho cô nghe à ?
Cô gật đầu.
– Ngài còn nói gì khác nữa không ?
– Có, nhiều chuyện lắm.
– Tôi nghe được không ?
– Tôi chắc thầy không màng đâu – ít nhất về đa số chuyện, nhưng kể ngay bây giờ thì tôi thấy không dễ. Để mai mốt đi, chừng đó hãy nói.
Chuyện ngưng lại và trong lúc ấy cô mời tôi điếu thuốc và tự mình châm một điếu. Chúng tôi yên lặng hút thuốc một chốc, rồi tôi nói:
– Điều tôi không hiểu là nếu tôi gây đau khổ cho cô trong một kiếp, và cô làm tôi khổ đau trong kiếp kế, thì tại sao ta không huề nhau ?
– Phải lắm, tôi cũng không hiểu. Tốt hơn là đi hỏi thầy M.H.
– Thiệt lạ lùng hết sức, tôi ngẫm nghĩ. Khi moi óc nghĩ coi mình bị đòi hỏi phải có hy sinh gì, tôi không hề nghĩ đó là chuyện này.
– Tôi cũng không nghĩ ra ..., tiếng cười của cô có vẻ mơ màng.
– Tôi cho là sao đi nữa cô cũng không muốn thành hôn với anh bạn của cô ? tôi tư lự hỏi.
– Anh muốn nói là người đó sẽ không lấy tôi ? Không, không hề có chuyện đó.
– Cũng như Clare sẽ không hề thành hôn với tôi.
– Oh, phải rồi, còn Clare nữa, tôi quên mất biệt. Cô nghĩ sao về chuyện này ?
– Hết sức bất ngờ đối với Clare, tôi nghĩ vậy. Tôi muốn xin cô giúp tôi một việc cho Clare được không?
– Dĩ nhiên là được.
– Clare cho là nếu cô và tôi quyết định tiến tới với việc này – cho dù chuyện còn lâu mới có – thì cô có thể phản đối.
– Tôi mà phản đối ư ? Tại sao kìa ? Anh có phản đối việc tôi vẫn thương người bạn trai của tôi không? Vô lý ! Tội nghiệp Clare ..., cô âu yếm nói.
– Tôi mong sao cô khiến Clare hiểu vậy.
– Được chứ, tôi sẽ nói cho Clare tin.
– Cám ơn cô, tôi đáp, đưa tay ra một cách biết ơn và cô nắm lấy. Cảm giác thù nghịch đã tan mất lần nữa và tôi thấy viễn ảnh có tình bạn và lòng tương trợ nhau.
Rồi chúng tôi quay sang đề tài thực tế hơn – là thái độ sẽ có của ba mẹ cô, cũng như là mặt tài chánh của vấn đề. Tôi e ngại chuyện sau có thể là một trở ngại vì công việc sáng tạo của tôi không kiếm ra nhiều tiền; tôi sống độc thân thoải mái nhưng sẽ không thoải mái khi lập gia đình. Tuy nhiên Viola cho hay là cô có lợi tức riêng và sau này sẽ thừa hưởng một số tiền lớn, nên tôi nhận ra rằng cuộc hôn nhân sẽ làm tăng thay vì giảm sự may mắn của tôi.
Khi tôi chào cô ra về thì gần tới giờ ăn tối, tôi nghĩ rằng đã xong cuộc trò chuyện kỳ lạ nhất đời. Buổi hầu chuyện với thầy M.H. thật đáng nhớ và làm tôi lo lắng, còn hôm nay khác hẳn tuy cũng có nét độc đáo riêng của nó. Mấy tháng sau Viola làm tròn lời hứa của cô và kể tôi nghe thêm về cuộc nói chuyện giữa Chân sư với nàng. Hẳn nó cũng thật lạ lùng như  buổi của thầy với tôi vào sáng thứ sáu đáng nhớ ấy, và hơn nữa cho thấy quyền năng của trí não bậc chân sư.
Ngài đầy tình thương như cha với con, rất nghiêm trang mà cũng rất dịu ngọt với nàng. Tuy nàng che dấu tôi cảm xúc thật của mình, và làm tôi gần như tin rằng sự chống đối hôn nhân với tôi về phần nàng thì không mạnh như sự chống đối hôn nhân với nàng về phần tôi, sự thật không phải vậy. Viola cho Thầy hay sáng hôm đó là nàng thật lòng cảm thấy không sao làm được việc hy sinh mà ngài muốn có. Nàng là một trong những phụ nữ, thay vì chán ghét  hôn nhân, xem cuộc hôn nhân hạnh phúc gần như là mục đích duy nhất của người đàn bà. Ước vọng lớn lao của nàng từ lúc biết suy nghĩ về hôn nhân là được thành hôn với người đàn ông mà nàng yêu quí.
– Con à, thầy nói, nếu con được cho gặp người đàn ông mà con có thể thương yêu như đa số người đã yêu khi họ muốn lập gia đình, thì hạnh phúc của con sẽ mất đi đâu khi tình yêu đó phai lạt đi ? Có người mà con có thể gặp và yêu thương thiết tha với trọn tâm hồn và xác thân – trong một thời gian; nhưng con không được cho gặp người ấy để tránh cho con. Chân nhân của con ngăn cản việc đó, biết rằng nó ngăn trở sự tiến bộ của con và cuối cùng có hại cho hạnh phúc của con.
'Con đã có lần thành hôn với người ấy, nhưng trong khi con tiến bộ nhiều thì anh tiến bước ít hơn, và hẳn sẽ đố kỵ chuyện học hỏi bí truyền của con, chặn đường để cuối cùng con  thấy anh là chướng ngại, tức giận sự can thiệp phá khuấy của anh và rồi giữa hai con sẽ có bất hòa thay vì  hạnh phúc suốt đời.
Nàng thuật cho tôi là một hay hai lần trong buổi nói chuyện nàng òa ra khóc, thầy M.H. ôm lấy nàng dỗ dành như đã dỗ cô gái nhỏ ở nghĩa trang.
– Con thấy không, ngài an ủi Viola, ta có thể thấy được tương lai, nếu không vậy thì thầy có ích gì cho con ? Thầy có thể thấy con được hạnh phúc nếu con thành hôn với người này, người mà thầy biết tương hợp với con về mặt tâm linh. Anh có thể giúp con nhiều hơn bất cứ ai khác, và con có thể giúp anh. Con có chịu hy sinh giấc mơ có bây giờ về hạnh phúc, không phải chỉ vì để giúp một linh hồn khác, mà còn cho chính hạnh phúc tương lai của con ? Nào, con à, động cơ xả kỷ của con đâu rồi ?
– Nhưng đi lấy một cục đá thì buồn hết sức trong khi cả đời con mong muốn có tình yêu, nàng thổn thức.
– Này con, ai mất sự sống của mình thì sẽ giữ được nó. Thầy không yêu cầu con thành hôn với cục đá, thầy mang cho con một viên ngọc quí với nhiều mặt, có mặt chói lọi có mặt chưa sáng. Con sẽ là người mài dũa cho sáng mặt nào còn lu, và khiến cho chói lọi hơn mặt nào đã mài dũa rồi. Phải, mà còn hơn vậy nữa, vì nếu chúng ta không mài dũa viên ngọc thì trọn hạt ngọc có thể mờ dần. Con có chịu để việc ấy xẩy ra cho một trong những học trò quí nhất của thầy không ?
Nàng cúi đầu không đáp.
– Nghe đây, con à, thầy nói tiếp, tuy con không có tính biểu lộ cảm tình một cách tự nhiên như vài người trong nhóm này, nhưng con đã quí mến tác phẩm của người này trước khi gặp mặt anh, phải không?
Nàng nhìn nhận có việc ấy.
– Con cũng biết thầy nghĩ gì về tác phẩm của anh. Con có chịu làm mất đi cơ hội không cho anh sáng tạo một tác phẩm khác vĩ đại hơn điều anh đã làm từ trước tới nay, chỉ vì trong kiếp này con có thể không hề thực hiện được mơ ước ? Có thể nào chỉ vì một mơ ước không thành, mà con sẽ không cho thế giới có những tác phẩm có thể có được với trọn ảnh hưởng nâng cao tâm người sao ?
– Nhưng làm sao chuyện như thế có thể tùy thuộc vào cá nhân không đáng kể như con ? nàng tuyệt vọng hỏi.
– Con à, ngay cả lòng khiêm nhượng cũng cần óc phân biện. Nếu một trong hàng ngàn mắt xích của sợi dây xích rất dài mà biết nói, phải nó sẽ nói như vầy chăng: " Làm sao mà sức mạnh của sợi dây xích vĩ đại này có thể tùy thuộc vào vật nhỏ bé như tôi ?" Tuy nhiên ai có thể thấy được trọn chiều dài sợi dây thay vì chỉ một mắt xích ấy, biết sự khờ dại của câu hỏi đó.
– Thầy cũng có thể thấy là chuyện gì sẽ đến cho con nếu – nếu con không thể làm được việc này không ?
– Có, điều ấy ta cũng có thể thấy, ngài trả lời với nụ cười bao dung. Khi cơ hội như vậy được cho ra một lần mà bị chối bỏ, cảm tưởng bất mãn sẽ sinh ra và nhuộm nét cả đời. Nỗi bất mãn ấy là tiếng nói của chân nhân liên tục nhắc nhở phàm nhân điều nó đã bỏ lỡ, và làm sao do sự bỏ lỡ ấy, nó đã phí phạm bao năm tháng đi lạc đường, thay vì mau lẹ tiến gần tới Đích.
Buổi nói chuyện chấm dứt với việc nàng hứa bằng mọi giá sẽ gắng sức nhìn sự việc như thầy M.H mong muốn, và về sau tôi biết là nàng đã viết thư ấy cho tôi chỉ một ngày sau cuộc nói chuyện, để tự bắt mình giữ lời hứa. Viola biết rằng khi đã làm bước đầu tiên thì khó mà rút lui hơn, và nó cũng có nghĩa là bị mất mặt. Sao đi nữa, nàng cho tôi hay là ngay cả sau buổi nói chuyện, nàng tới gặp thầy vào lần và cho hay thật lòng thấy không sao làm được việc đó. Nhưng lẽ dĩ nhiên lúc này đây nàng không hé môi chút gì với tôi về chuyện, do tài che dấu tình cảm của mình.
Nàng không muốn làm tôi bị tổn thương, cũng như là chưa biết chắc lòng mình. Cảm xúc của Viola lúc bấy giờ – như thường có với phụ nữ – là thay đổi lạ lùng. Hôm nay nàng nhất quyết làm như Chân sư mong muốn, qua hôm sau nàng lại thấy không sao làm được. Chỉ sau khi chót hết thầy bảo nàng phải chọn việc này hay kia, cuối cùng nàng mới quyết định chọn tôi.

 

CHƯƠNG   XX

NGUYÊN  NHÂN  VÔ  HÌNH  CỦA  CHIẾN  TRANH

 

Thứ tư tuần sau chúng tôi hội đủ lại vào giờ thường lệ mà không có Thầy. Nửa giờ rồi một tiếng trôi qua mà ngài vẫn chưa tới, tuy vậy tôi để ý không thấy có sự nóng nẩy, và đặc biệt hơn nữa là không có sự ngạc nhiên, trừ các đệ tử mới nhập. Những người này bắt đầu thắc mắc và thì thào là sẽ về nhà quá trễ trong khi sáng mai phải dậy sớm – liệu thầy M.H. có bị tai nạn gì không ? Có ai biết thầy ở đâu không ? Ngài có hay làm như vầy không ... ? Và nhiều câu tương tự. Tôi cũng có hỏi mấy câu mà chỉ được đáp bằng cái nhún vai và nụ cười hờ hững tuy đầy thân thiện. Rồi tôi nghe Heddon trả lời ai đó:
– Thầy ở trong Thanh Phòng, chỗ mà không ai được phép quấy rầy ngài, và tôi chỉ biết có vậy thôi !
Vậy nay tôi biết chắc là thầy ở trong nhà, và không chừng đang chìm đắm trong cơn đại định Samadhi, nhưng tại sao ngài lại tham thiền nhập định lúc này thì tôi không biết.
Hai giờ rưỡi sau ngài vào phòng và lời nói đầu tiên của thầy là:
– Ta cám ơn tất cả những ai đã tỏ ra nhẫn nại. Với ai khác – trong trường hợp họ nghĩ rằng không đúng giờ thì chẳng sao, ngài mỉm cười, chà, nó có sao lắm cho ai chưa học được tánh kiên nhẫn, có lòng tin và tự chủ, ấy là tại sao ta trễ quá như thế này.
Ngài nói những lời này một cách hóm hỉnh mà không làm giảm bớt ý nghĩa, khiến đa số chúng tôi cười lớn.
– Và nay, ngài đề nghị một cách nghiêm chỉnh hơn, ai trong các con muốn về nhà thì nên đi ngay, vì bài giảng tối nay sẽ dài. Thầy không màng là có được lên giường hay không, nhưng có lẽ con sẽ nói Thầy không giống như các con. Được lắm.
Không ai nhúc nhích. Thầy nhìn chúng tôi khen ngợi và nói:
– Đức Phật nói rằng ai có thể giữ cho tỉnh thức hai đêm liền thì có thể đạt được bất cứ chuyện gì. Tốt lắm, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tỉnh thức một nửa đêm.
Các đệ tử lại cười nữa. Tuy nhiên sau đó là bài giảng khá dài mà tôi không có ý đem vào cuốn sách này, thay vào đó tôi muốn đề cập tới bài giảng ngắn hơn mà thầy M.H. đưa ra để trả lời một câu hỏi. Ngài kết thúc bài giảng bằng câu:
– Ai phấn đấu với tâm tánh mình thì anh hùng hơn ai chống trả kẻ thù đáng sợ nhất; vì sự chống trả giữa một người và thù địch của họ chỉ diễn ra một thời gian ngắn, còn sự tranh đấu giữa một người và bản tánh của mình lại kéo dài trọn đời.
Ông Galais hỏi.
– Thầy vừa nói đến tranh đấu, còn con nhiều lần có ý muốn hỏi thầy có nghĩ là nhân loại đã tiến xa đến mức sẽ không còn chiến trận nữa không ? (Xin nhắc lại bối cảnh của chuyện là mấy năm sau thế chiến I).
– Không, con à. Thầy M.H. trả lời và giọng ngài hết sức nghiêm trọng. Nhân loại chưa tiến đến xa như vậy, và nay các Chân sư chúng ta thấy rõ là có những đám mây tượng hình mà sẽ bung ra thành bão còn kinh sợ hơn thế chiến vừa qua. Thay vì học bài học mà thế chiến I nhằm dạy dỗ, có hàng ngàn người không những tránh né bài học đó mà còn lợi dụng cuộc chiến để làm giàu trên sự đau khổ của người bên cạnh kém may mắn hơn.
'Như thế và qua nhiều cách khác nhau, Karma mới được tạo ra ở nơi mà Karma cũ đáng lẽ phải hết sạch. Loại hòa bình mà ta có ngày nay, như các con biết mà không cần phải nói, chỉ là việc ngưng bắn – tức hòa bình chỉ trên giấy tờ mà không có trong tâm. Chiến tranh khi trước đã chuyển từ cõi hữu hình sang cõi vô hình, nay quay về cõi hữu hình dưới những hình thái khác như đình công, cách mạng và sự xáo trộn tình cảm. Vòng luẩn quẩn kéo dài, càng lúc càng có lực xấu chồng chất, đám mây gây sấm sét  nơi cõi thanh càng lúc càng to và đen đủi hơn.
'Các con có biết rằng những hình tư tưởng ác độc tạo vào lúc xa xưa như trò giác đấu thời La Mã nay vẫn còn tồn tại ? Và ai có khả năng vẫn có thể thấy hình tư tưởng do việc thực hành ma thuật từ mấy ngàn năm về trước ? Vậy hãy nghĩ xem những lực tư tưởng độc ác mà cuộc cách mạng Nga với bao sự tàn nhẫn và sắt máu hẳn đang tạo ra lúc này. Chuyện gì sẽ xẩy ra cho lực ấy ? Theo luật trời nó sẽ bị thu hút về những hình tư tưởng khác ta nói ở trên, và sẽ khiến đám mây bão to lớn thêm nữa. Vậy có gì là lạ khi các nhà tiên tri lên tiếng báo động !
'Thế giới đang trải qua một trong những giai đoạn nguy kịch nhất của nó trong lịch sử, và điều mà chúng ta các vị Chân sư e ngại cho nhân loại là sự tranh chấp giữa sắc dân da vàng và da trắng. Nếu điều này xẩy ra thì chỉ có Trời cứu mà thôi. Chẳng những người da trắng phải đương cự với số đông gấp mấy họ, mà luôn cả lòng tàn nhẫn kinh khiếp là đặc tính của thân xác ít nhậy cảm thuộc giống dân thứ tư. Nếu chiến trận xẩy ra thì sự tiến bộ của thế giới sẽ bị kéo lui lại hàng ngàn năm.
Thầy ngưng một chốc và khi ngài tiếp tục, giọng nói có chứa ý khẩn cầu.
– Phần việc của các con là ngăn chặn cuộc chiến ấy – vai trò của tất cả những ai trên thế giới như các con là chận đứng nó. Những thành viên của tổ chức và cộng đồng huyền học, Tân Kỷ nguyên và các nhóm tương tự cần sống theo lý tưởng cao nhất của mình, và khi làm vậy họ giúp Lực Thiện thắng được Lực Ác. Vai trò của các con là sinh ra những lực tinh thần cho Thiên Đoàn sử dụng hầu phá tan đám mây giông của chiến tranh đang chực hờ. Và trong những năm tới đây, bất cứ khi nào con thấy dấu hiệu không chừng báo trước là sắp có đại chiến hay trận chiến nào khác, thì đó là lúc hướng mọi tư tưởng về sự tiến hóa riêng tư của mình vào việc cao thượng hơn là giải cứu nhân loại. Hãy nghĩ đến Hòa Bình, tưởng tượng ra chữ Hòa Bình viết lớn mầu trắng chói ngời.
'Nếu con là người Mỹ, hãy hình dung chữ ấy trong công ốc; là người Anh hãy thấy chữ ấy trong hai viện quốc hội, trong dinh Vua và bao quanh chính nhà Vua. Bởi những ai thật lòng phụng sự Chánh Đạo thuộc về thiểu số, họ phải làm việc gấp đôi như hiện nay, và có nỗ lực tối đa. Hãy chỉ dẫn người Thiên Chúa giáo suy nghĩ và cảm thấy hòa bình trong tâm, cùng thực lòng thương yêu kẻ thù của mình. Hãy giảng cho họ đừng thù ghét chiến tranh vì họ sợ chiến trận, mà ghét bỏ cuộc chiến vì họ quí chuộng Hòa Bình theo nghĩa đúng thực nhất và cao tột nhất. Chỉ khi nào nhân loại học được việc cảm thấy chính trong tâm họ sự 'Bình An và Thiện Tâm cho mọi người', thì nguy cơ chiến trận mới trôi qua không bao giờ tái lại.'